Từ người lính trở thành chủ doanh nghiệp

































TỪ MỘT THỜI OANH LIỆT
Dù vết thương chằng chịt khắp cơ thể và hành hạ quanh năm nhưng con người ông Phan Duy Đức lúc nào cũng hào sảng, nói năng và hành động nhanh như tên bắn. “ Thời chiến, người lính ra trận có được chiến thắng nhờ vào lòng gan dạ và khả năng tác chiến mưu lược. Thời bình, người lính “sống được” với đời anh ta cần phải đóng góp được một điều gì đó có ích cho cộng đồng...” - ông Phan Duy Đức chia sẻ.

Ông Phan Duy Đức- Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Giang
Sinh năm 1957 tại quê hương anh hùng Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, năm 15 tuổi, Phan Duy Đức đã tham gia lực lượng du kích quân giải phóng. Gãy hai chân, ông được đưa ra miền Bắc băng bó vết thương. Sau khi miền Nam giải phóng, ông khoác ba lô về miền Nam với chiếc thẻ thương binh rồi không lâu sau đó lại tham gia chiến trường biên giới Tây Nam.
Ở nước bạn Campuchia, sự sống và cái chết của người lính nhiều khi chỉ cách nhau gang tấc. Sau 6 năm làm nhiệm vụ quốc tế, ông Đức xuất ngũ trở về quê hương với hành trang có thêm một thẻ thương binh nữa.
Đi qua 2 cuộc chiến, với rất nhiều thương tật trên người nhưng với ông Đức, đó lại là những tháng ngày đẹp nhất của đời người- được hy sinh, cống hiến vì lý tưởng cao cả.

ĐẾN “CHIẾN BINH” ĐỜI THƯỜNG
Sau khi xuất ngũ, trở về với đời thường, để kiếm sống, hầu như không có việc gì mà ông Đức không làm. Từ nông dân, bảo vệ, chuyên viên phòng kinh doanh xuất nhập khẩu, đến phó giám đốc...
Năm 2000, do bà con có đất rủ về Bình Dương làm trang trại, ông mới nếm mùi vất vả, mới biết thế nào là “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của người nông dân. Nhưng cũng chính từ đó, ông Đức hạ quyết tâm phải làm một cái gì đó để đỡ cực cái thân luôn đau ốm và hướng ông chọn là lập xưởng sản xuất phân bón.
Để có cơ sở sản xuất phân bón, ông tự tìm tài liệu để học kinh nghiệm. Vay vốn, cầm cố nhà, hùn hạp mãi, đến năm 2002, cơ sở sản xuất phân bón cũng được dựng lên. Nhưng để có phân hữu cơ từ phế thải như: Vỏ hạt cà phê, rác, rơm rạ… chất lượng cao và giá rẻ là điều không đơn giản. Ban đầu sản phẩm làm ra bán rẻ như cho mà không ai mua.  Đơn giản vì phân bón do ông sản xuất chưa chứng minh được tính hiệu quả đối với cây trồng.
Không nản chí, ông liều tìm đến các chuyên gia, nhà khoa học và học từ “internet” để giải quyết bài toán “sản phẩm tốt, giá rẻ, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của ngành nông nghiệp Việt Nam”. Từ bước đi này, các loại phân bón hữu cơ và đất sạch dùng cho cầy trồng lấy củ, quả và hoa mang nhãn hiệu Better dần được thị trường chấp nhận.
Từ một cơ sở sản xuất nhỏ ở Bình Chánh, ông Đức đầu tư thêm nhà máy sản xuất phân bón ở Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Cho đến nay, các loại phân bón của Hiếu Giang đã có mặt khắp các tỉnh, thành cả nước. Không chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa, phân bón Better còn xuất khẩu sang Haiti, Malaysia, Campuchia. Mới đây, một tập đoàn kinh tế của Đài Loan - Trung Quốc đã ký kết hợp đồng thương mại bao tiêu sản phẩm cho Hiếu Giang và đề nghị phía Hiếu Giang chuyển giao công nghệ để xây dựng nhà máy sản xuất phân bón tại Đài Loan, nhằm phục vụ cho nhu cầu trồng hoa cảnh xuất khẩu.
Ngoài tính chất khác biệt của các loại phân bón, đất sạch mang lại hiệu quả cho cây trồng, Công ty Hiếu Giang còn là doanh nghiệp tư nhân khá đặc biệt về tiêu chí hoạt động và xây dựng thương hiệu. Để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng, ông chọn giải pháp tạo ra sản phẩm chất lượng, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất để giá thành hạ và bán sản phẩm cho nông dân trước, lấy tiền sau.
Hiếu Giang hiện có hơn 100 cán bộ, công nhân viên, đa số là đồng đội, con em đồng đội thời kháng chiến với ông, người nghèo và người dân tộc thiểu số. Ông Đức cho biết, Hiếu Giang là công ty tư nhân đầu tiên ở quận 2, TP.HCM thành lập chi bộ Đảng. Khi mới thành lập Chi bộ có 5 đảng viên, hiện nay đã có gần 20 đảng viên và ngày càng lớn mạnh. “Tôi là một đảng viên, dù trong chiến tranh hay thời bình, lý tưởng và phẩm chất cộng sản trong con người tôi chỉ có một và tôi quyết tâm phấn đấu với lý tưởng mình đã chọn”- ông Đức quả quyết.
Trên thương trường, người ta có nhiều cách để làm giàu, trong đó không ít kẻ chọn cách “đi tắt” đỡ tốn sức và lợi nhuận cao. Riêng ông Đức lại chọn con đường liêm chính để phát triển doanh nghiệp, chính điều này khiến ông cực nhọc hơn, nhất là vào thời điểm hiện tại, sự vất vả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng cao do khó khăn chung của nền kinh tế…
Hiện, Hiếu Giang đang phải đối mặt với vấn nạn ăn cắp thương hiệu phân bón Better diễn ra công khai; phân bón giả trên thị trường nhiều vô kể làm thu hẹp khả năng tiêu thụ. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào sản xuất không ngừng tăng trong khi sản phẩm không thể tăng giá đã làm cho “đầu ra” của Hiếu Giang ngày càng hẹp lại. “Trong giai đoạn hiện nay, để trang trải đủ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và đảm bảo ổn định đội ngũ lao động là rất cố gắng. Khi nhân viên đưa lên bản quyết toán giảm 10% lương công nhân và cắt toàn bộ tiền phụ cấp cho con em của người lao động, trăn trở suốt đêm tôi gạt nước mắt và xé bỏ những lời đề nghị từ cấp dưới” - ông Đức bộc bạch.  
Ông Đức vừa vinh dự đón nhận Huy chương 30 năm tuổi đảng và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Đây không chỉ là sự động viên khích lệ đối với một đảng viên - cựu chiến binh như ông, mà còn là lời khẳng định: Những người lính luôn sẵn sàng đối mặt và vượt qua mọi khó khăn để vượt lên- cả thời chiến cũng như thời bình.
Trần Thế

Theo Hieugiang

http://hieugiang.vdc2.com/?page=newsdetail&cmid=1&id=12

0 nhận xét:

homepost2